Bị tụt lợi, chữa được không?

Răng của tôi gần đây cứ mỗi lần đánh răng là chảy máu, lợi bị tụt nhiều trông rất xấu. Xin hỏi bác sĩ tụt lợi có nguy hiểm không, có cách nào chữa được không? (Nghiêm Thị Tuyến – Quảng Ninh)😛 Thường xuyên bị chảy máu răng khi đánh răng, rất có thể bạn đã bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nguyên nhân thường gặp dẫn đến tụt lợi. Khi lợi bị tụt sẽ làm lộ chân răng, mòn tổ chức cứng của răng, làm cho răng bị ê buốt và rất mất thẩm mỹ. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm tủy răng, thậm chí rụng răng sớm.

Bạn nên đi khám ở các chuyên khoa răng hàm mặt để điều trị các bệnh lý gây tụt lợi như viêm lợi, viêm nha chu. Mặt khác, để khắc phục tình trạng này, bạn nên chọn bàn chải mềm và dùng nước ấm để đánh răng, đồng thời nên dùng nước súc miệng được khuyến cáo cho người bị tụt lợi và các bệnh viêm quanh răng khác.

Hiện nay người ta có thể dùng thuốc bôi, dùng laser kết hợp với thuốc bôi hoặc thậm chí là phẫu thuật để khắc phục hậu quả thẩm mỹ của tụt lợi. Bạn nên đi khám bệnh sớm ở bác sĩ nha khoa để được chỉ định điều trị đúng.

(VNDOC ‘s Blog – Theo báo Tuổi Trẻ)

Điều trị u thực quản thế nào?

Bố tôi năm nay 68 tuổi, cách đây 5 năm bố tôi đã cắt dạ dày. Dạo này bố tôi ăn uống vẫn ngon miệng nhưng hay bị nghẹn khi ăn thức ăn đặc. Bố tôi đã đi khám nội soi thực quản dạ dày, kết quả nội soi trong thực quản có một khối u rất to khiến bác sĩ không cho ống nội soi vào sâu được. Xin hỏi quý báo, bệnh của bố tôi được điều trị bằng phương pháp gì? (Trần Thị Hải – Thái Nguyên)

😛 Thực quản là đoạn đầu tiên của ống tiêu hóa, nối giữa miệng và dạ dày. Thực quản có một phần nằm ở cổ và một phần ở ngực.

Bố của bạn có một khối u trong thực quản thì cần tiến hành sinh thiết qua nội soi để xác định đó là u lành tính hay ác tính. Nếu là u lành tính, có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u để giải phóng bít tắc. Nếu là u ác tính, khi đó tùy thuộc vào vị trí khối u và đã di căn hay chưa mà có những phương pháp điều trị khác nhau: phẫu thuật cắt khối u, chiếu tia xạ, điều trị hóa chất hay phối hợp các phương pháp trên. Tuy nhiên, việc quyết định lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh.

(Sống khỏe Blog – Theo Báo Sức khỏe & đời sống)

Viêm màng gân cổ tay

Tôi bị viêm 2 khớp cổ tay (đau phần tiếp xúc gần đầu dưới xương đốt bàn ngón 1 và đau dưới xương quay hơi chếch về phía trong, đau nhiều ở tư thế ngửa cổ tay & dạng ngón cái hết biên độ.

Tôi đã sử dụng thuốc Non Steroit, giãn cơ, 3B không giảm; sau đó tôi sử dụng prednisolone theo phác đồ mà vẫn không giảm. Hiện tại tôi dùng kết hợp fenden 20mg + Voltaren 100mg + giãn cơ + 3B nhưng triệu chứng vẫn không giảm. Vậy xin được tư vấn về bệnh của tôi và cho hướng điều trị thích hợp. Xin trân trọng cám ơn! (Nguyen My Dung – mydung3_03@…)

😛 Theo những gì bà mô tả, tôi nghĩ rằng bà bị viêm màng gân cổ tay (tenosynovitis of the wrist) hay còn gọi là viêm màng gân deQuervain, là tình trạng viêm dày màng gân. Tuy nhiên cũng có thể do các bệnh lý khác như viêm khớp nền ngón cái, viêm thoái hoá khớp quay thuyền… Do vậy bà nên đi khám ở tại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình ở những bệnh viện có chuyên khoa này như BV Thống nhất, BV ĐHYD, Chợ Rẫy, BV Chấn Thương Chỉnh Hình…

Về cách điều trị của bệnh, thông thường sẽ bất động ngón cái tư thế dạng 2 tuần và dùng thuốc kháng viêm giảm đau thuộc nhóm không steroid như bà đang dùng. Nếu không hết sẽ chuyển sang chích corticosteroid (tối đa là 3 mũi) vào bao gân duỗi ngón cái. Nếu không hết có thể phải phẫu thuật.

Về thuốc mà bà đang dùng nếu không có tác dụng thì không nên dùng nữa, hơn nữa việc phối hợp giữa fenden và voltaren không làm tăng tác dụng điều trị mà ngược lại làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng do tác dụng phụ của thuốc.

Tóm lại, bà cần đi khám một BS chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để có chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị thích hợp.

(Sống khỏe Blog – Theo Báo Tuổi Trẻ Online)

Ăn nước tương có 3-MCPD lâu ngày có bị ung thư?

Tôi ăn chay trường. Nhiều năm qua tôi dùng nước tương thường xuyên. Qua báo chí tôi mới biết loại nước tương lâu nay sử dụng có chứa chất gây ung thư 3-MCPD cao quá mức cho phép. Tôi rất lo lắng không biết sau này có bị ung thư hay không?

(Nguyễn Văn Tuấn và nhiều bạn đọc ở TP.HCM)

😛 TS.BS Lê Trường Giang – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM:

– Các nhà khoa học khi nghiên cứu về chất 3-MCPD trong  nước tương thường nói là có nguy cơ bị ung thư. Chữ “nguy cơ” ở đây được hiểu là không khẳng định, chưa kết luận nhưng mang tính cảnh báo là phải cảnh giác với chất này. Có thể hiểu cảnh báo này như sau: ở chỗ đó rất nguy hiểm, bạn đi tới đó là phải coi chừng chuyện đó. Còn chuyện đó có xảy ra hay không thì không thể biết được.

Do đó, để trả lời có bị ung thư hay không khi ăn lâu ngày loại nước tương có chứa chất gây ung thư 3-MCPD quá mức cho phép thì không ai dám nói và khẳng định chắc chắn là có hay không.

Mối liên hệ giữa chất 3-MCPD và ung thư ra sao?

❓ Được biết nước tương có chất 3-MCPD có thể gây đột biến gen gây ung thư. Mối liên hệ giữa đột biến gen và bệnh ung thư như thế nào?
(Nhiều bạn đọc)

😛 Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh – phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM:

– Có rất nhiều tác nhân gây tổn thương ở mức độ tế bào dẫn đến đột biến gen của tế bào. Khi tế bào bị đột biến gen thì cơ chế điều hòa sẽ bị mất đi, từ đó sẽ sinh ra nhiều bệnh tật khác nhau, trong đó có bệnh ung thư. Trong cuộc sống bình thường, con người tiếp xúc với rất nhiều tác nhân bên ngoài và một cách ngẫu nhiên có thể chúng ta vô tình tiếp xúc với một số tác nhân có thể gây đột biến gen như hóa chất, môi trường, virus, tia bức xạ, tia cực tím và cả trong thực phẩm ăn uống hằng ngày…

Những tác nhân có thể gây đột biến gen nếu cứ tác động lặp đi lặp lại trên tế bào, đến một lúc nào đó sẽ gây tổn thương tế bào không hồi phục dẫn đến đột biến vĩnh viễn, từ đó gây ra ung thư.

(Sống khỏe Blog – Theo Báo Tuổi Trẻ Online)

Tiêu chảy lâu ngày, bị bệnh gì?

[Image]
Polyp đại tràng, một nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính

Cháu đang là sinh viên năm thứ 2. Cháu thường xuyên bị đau bụng tiêu chảy sau khi ăn sáng, vậy xin bác sĩ cho biết cháu bị bệnh gì, có phải cháu bị bệnh ở đường ruột không? (Nguyễn Vĩnh Tân – Nam Định)

😛 Tiêu chảy có thể là cấp tính khi thời gian bệnh tồn tại trong vòng 2-3 tuần, còn lâu hơn gọi là tiêu chảy mạn tính.

Trong thư bạn không rõ thời gian bị bệnh kéo dài bao lâu, đi lỏng mấy lần/ngày, tính chất phân như thế nào, ngoài ra có triệu chứng gì khác không, cân nặng có thay đổi không? Nếu thường xuyên tiêu chảy sau ăn sáng có nghĩa là bệnh đã xuất hiện từ lâu (mạn tính).

Tiêu chảy mạn tính có nhiều nguyên nhân, có thể tóm lại thành hai nhóm. Nhóm 1: không có tổn thương tại ruột hay gặp là hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS). Nhóm 2: do  thương tổn thực sự như viêm đại tràng do amip và ký sinh trùng, viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh Crohn…

Nếu chỉ đại tiện phân lỏng duy nhất sau ăn sáng, bạn có thể bị hội chứng ruột kích thích. Trong bệnh này người bệnh đại tiện có thể phân lỏng, không có máu, có thể có nhày, đau bụng, có cảm giác chưa đại tiện hết phân sau khi đi ngoài, nói chung cân nặng của người bệnh ít bị ảnh hưởng và khi xét nghiệm phân cũng như nội soi đại tràng thấy hoàn toàn bình thường. Bạn cần tới khám bệnh tại chuyên khoa tiêu hóa để được điều trị và tư vấn kịp thời.

(Sống khỏe Blog – Theo Báo Sức khỏe & đời sống)